05:08 ICT Chủ nhật, 19/05/2024

Trang nhất » TIN TỨC » NỘI QUY -QUY CHẾ » Quy chế làm việc

Trang Web sẽ hiển thị tốt trên các trình duyệt:  FIREFOX, GOOGLE CHROME, IE 7.0 trở lên.

Quy chế kiểm tra - đánh giá - xếp loại học sinh từ năm học 2022-2023

Chủ nhật - 23/10/2022 16:29

       SỞ GDĐT BÌNH ĐỊNH    

TRƯỜNG THPT VÕ GIỮ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ HỌC SINH TỪ NĂM HỌC 2022-2023

 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 124/QĐ-THPTVGngày 04/11/2022 của Hiệu trưởng Trường THPT Võ Giữ)

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

          Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

- Quy chế này quy định về việc tổ chức các bài kiểm tra, đánh giá tại lớp, kiểm tra tập trung tại trường THPT Võ Giữ, bao gồm: chuẩn bị cho kỳ kiểm tra; công tác ra đề kiểm tra, coi kiểm tra; chấm kiểm tra và chấm phúc khảo; nhập điểm, quản lý điểm; kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

- Đối tượng thực hiện quy chế này là toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đang công tác, giảng dạy va học tập tại trường THPT Võ Giữ năm học 2022-2023.

          Điều 2. Mục đích, yêu cầu

- Quy chế nhằm áp dụng thống nhất các quy định về tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh của cán bộ, giáo viên trong trường. Tạo thuận lợi cho tổ chuyên môn và lãnh đạo trường trong việc quản lý, chỉ đạo và thực hiện công tác chuyên môn.

- Kiểm tra tại lớp nhằm thực hiện Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông; Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ GDĐT về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

3. Kiểm tra tập trung nhằm mục đích

- Đảm bảo tính công bằng trong việc đánh giá năng lực học tập của học sinh. Kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức dạy học và giáo dục của nhà trường, qua đó đánh giá đúng thực chất năng lực, trình độ của mỗi học sinh và hiệu quả giảng dạy của giáo viên.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá tại lớp và các đợt kiểm tra tập trung phải đảm bảo yêu cầu: nghiêm túc, an toàn, công bằng, chính xác, đánh giá đúng trình độ học sinh, phản ánh đúng chất lượng giảng dạy của giáo viên.

- Quy chế là cơ sở để lãnh đạo nhà trường tổ chức thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, giáo viên. Qua đó điều chỉnh công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của lãnh đạo nhà trường nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên bộ môn.

Điều 3. Căn cứ để xây dựng quy chế

- Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông và Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GDĐTsửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

-Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GDĐTvề sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ GDĐT;

-Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;

-Công văn số 2214/SGDĐT-GDTrH ngày 3/11/2020 của Sở GDĐTvề việc quy định sử dụng hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục và đánh giá xếp loại học sinh phổ thông từ năm học 2020-2021;

-Thông tư 22/2021/TT-BGD ngày 20/7/2021 của Bộ GDĐTquy định về đánh giá xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT;

-Công văn số 1045/SGDĐT-GDTrH ngày 13/5/2022 của Sở Giáo dục Đào tạo về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023 và quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành tại Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT;

- Công văn số 2043/SGDĐT-GDTrH ngày 30/08/2022 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023;

- Kế hoạch số 109/KH-THPTVG ngày 20/10/2022 của Trường THPT Võ Giữ về việc ban hành kế hoạch giáo dục năm học 2022-2023;

- Công văn số 2283/SGDĐT-QLGDCL-GDTX ngày 29/9/2022 của Sở GDĐT về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng giáo dục năm học 2022-2023;

- Công văn số 2391/SGDĐT-GDTrH ngày 11/10/2022 của Sở GDĐT về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh THCS, THPT từ năm học 2022-2023.

Chương II

CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

Điều 4. Ngày kiểm tra, môn kiểm tra

- Căn cứ Kế hoạch kiểm tra, đánh giá; căn cứ vào kế hoạch giảng dạy, giáo viên bộ môn tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ.

- Căn cứ công văn chỉ đạo của Sở GDĐT, căn cứ Kế hoạch giáo dục năm học, Kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh, Hiệu trưởng nhà trường ấn định thời gian, môn kiểm tra và hình thức kiểm tra trong các đợt kiểm tra thường xuyên, định kỳ  theo hình thức tập trung.

- Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thông báo kế hoạch và lịch kiểm tra đến học sinh.

Điều 5. Thành lập Hội đồng coi kiểm tra tập trung và Hội đồng chấm kiểm tra tập trung

- Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Ban in sao đề kiểm tra; Hội đồng kiểm tra; Hội đồng chấm kiểm tra tập trung và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong hội đồng. Thành viên hội đồng gồm: Chủ tịch hội đồng, Phó chủ tịch hội đồng và các thành viên phụ trách công việc trong các kỳ kiểm tra tập trung. Cụ thể: 

1. Chủ tịch Hội đồng

Là Hiệu trưởng, chịu trách nhiệm chung về:

- Ban hành quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra tập trung;

- Duyệt lịch kiểm tra tập trung.

- Kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy chế ra đề, ma trận đề, đáp án.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng

Là Phó Hiệu trưởng trực tiếp tổ chức điều động các hoạt động kiểm tra theo quy chế:

- Chịu trách nhiệm sắp xếp, ổn định cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác kiểm tra; điều động học sinh trong các ngày kiểm tra; bố trí các phòng kiểm tra an toàn;

- Cùng với Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm duyệt đề kiểm tra trước khi chuyển về bộ phận văn phòng in ấn (khi có yêu cầu);

- Phân công giám thị, giám khảo trong từng ngày kiểm tra,

- Đánh mật mã các bài kiểm tra,

- Chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế;

- Tổ chức in sao, bảo mật, phân phối đề kiểm tra tập trung, phân công coi, chấm kiểm tra và trả sửa bài kiểm tra, tổ chức chấm phúc khảo, tổ chức kiểm tra bổ sung, quản lý điểm số theo đúng quy định;

- Điều hành bộ phận bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự cho các kỳ kiểm tra tập trung;

- Thông báo đến GVCN về lịch kiểm tra, thực hiện hiệu lệnh trong các buổi kiểm tra;

- Điều hành bộ phận phục vụ đảm bảo vệ sinh các phòng học;

- Điều hành bộ phận y tế;

- Tham mưu cho Hiệu trưởng về lịch kiểm tra phù hợp với quy định chuyên môn và kế hoạch năm học của trường;

- Tổ chức, điều hành và xử lý tình huống trong các buổi kiểm tra;

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế coi kiểm tra của giáo viên, xử lý học sinh vi phạm quy chế kiểm tra.

3. Thư ký Hội đồng coi kiểm tra và chấm kiểm tra

Chịu trách nhiệm chuẩn bị các loại hồ sơ, các biên bản, bảng biểu cần thiết.

- Nhận bài kiểm tra, Điều hành việc cắt phách, đánh mật mã các bài kiểm tra.

- Bàn giáo bài chấm cho giám khảo theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng.

- Tổng hợp các loại biên bản của Hội đồng.

4. Tổ trưởng chuyên môn

- Chịu trách nhiệm thống nhất ma trận đề, nội dung ôn tập theo đúng hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo cho tất cả các bài kiểm tra.

- Tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc chọn đề kiểm tra tập trung.

5. Giáo viên bộ môn

- Chịu trách nhiệm ra đề kiểm tra (khi được phân công); hướng dẫn chấm theo ma trận thống nhất của tổ chuyên môn; đảm bảo tính bảo mật, tính chính xác của đề kiểm tra tại lớp, đề kiểm tra tập trung.

- Tham gia họp thống nhất hướng dẫn chấm; ký nhận, trả bài kiểm tra; nắm vững quy định về quy trình, cách chấm, cách làm tròn điểm.

- Chấm bài theo đúng đáp án, đúng thời gian quy định; nộp bài cho văn phòng, nhập điểm đúng quy định.

6. Giáo viên coi kiểm tra tập trung

- Nắm vững nghiệp vụ, thái độ coi kiểm tra nghiêm túc, đúng giờ, đúng buổi phân công.

- Thực hiện tốt theo công việc được phân công của Chủ tịch Hội đồng.

7. Văn phòng

- Chịu trách nhiệm chuẩn bị giấy làm bài, giấy nháp, hồ sơ phòng thi và các văn phòng phẩm khác phục vụ cho kỳ kiểm tra tập trung.

- In phiếu báo danh kiểm tra cuối kỳ.

- Chịu trách nhiệm in sao và bảo mật đề kiểm tra đã được Hiệu trưởng duyệt.

- Lưu trữ bài kiểm tra theo quy định.

Điều 6. Xử lý các tình huống phát sinh ngoài quy chế

Hiệu trưởng triệu tập các thành viên liên quan, chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh ngoài quy chế.

Chương III

CÔNG TÁC RA ĐỀ KIỂM TRA

Điều 7. Đề kiểm tra

Yêu cầu của đề kiểm tra:

- Đề kiểm tra phải đảm bảo chuẩn kiến thức, đảm bảo các quy định hiện hành.

- Tổ trưởng thống nhất nội dung kiểm tra. Nội dung đề kiểm tra nằm trong chương trình trung học phổ thông hiện hành và đúng theo ma trận đã được tập huấn ngày 25, 26/01/2021 tại Công văn số 112/SGDĐT-GDTrH ngày
19/01/2021 của Sở GDĐT về việc tập huấn giáo viên về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đề kiểm tra phải được tổ chuyên môn thống nhất.

- Nội dung và mức độ, độ dài của đề kiểm tra cần phù hợp với chương trình học và trình độ học sinh. Không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

- Không ra lại nội dung kiểm tra giống đề kiểm tra của các năm học trước.

- Đề kiểm tra phải chính xác, không có lỗi chính tả, câu hỏi rõ ràng, nội dung câu hỏi phải theo tiến độ bài giảng được quy định. Thực hiện cấu trúc đề theo quy định bộ môn.

- Đề kiểm tra, đáp án của mỗi môn kiểm tra thuộc danh mục tài liệu tối mật theo quy định hiện hành. Hiệu trưởng, giáo viên ra đề, bộ phận in sao đề chịu trách nhiệm bảo mật các đề kiểm tra.

- Nộp ma trận đề kiểm tra, đề kiểm tra,bảng đặc tả hướng dẫn chấm về Lãnh đạo trường trước ngày kiểm tra ít nhất 1 tuần.

- Đối với môn Giáo dục Thể dục: Khối lượng vận động phải căn cứ vào thể trạng của từng học sinh, không để học sinh vận động quá sức.

Điều 8. Nội dung, hình thức đề kiểm tra

- Hai tuần trước khi tổ chức kiểm tra định kỳ, tổ trưởng chuyên môn họp tổ và thống nhất nội dung, ma trận và hình thức đề kiểm tra.

- Giáo viên bộ môn có trách nhiệm thông báo thời gian, nội dung kiểm tra cho học sinh trước 1 tuần.

- Giáo viên bộ môn căn cứ vào ma trận đề để ra đề nhằm đảm bảo đủ các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, không ra đề quá khó, đánh đố học sinh. Riêng đối với đề kiểm tra tập trung giáo viên ra đề theo hình thức quy định của trường.

- Hình thức bài kiểm tra: Hiệu trưởng quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của tổ chuyên môn ngay từ đầu năm học và theo chỉ đạo bộ môn của Sở GDĐT. Lưu ý:

+ Đối với bài kiểm tra thường xuyên: Khuyến khích đánh giá học sinh qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kêt quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

+ Đối với bài kiểm tra định kỳ phải đảm bảo 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Nội dung đề kiểm tra cần bao quát, tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

+ Đối với đề kiểm tra lại: Nội dung và cấu trúc tương tự nội dung và hình thức đề kiểm tra cuối kì 2 của năm học đó.

Điều 9. Người ra đề kiểm tra, chọn đề kiểm tra

- Đối với bài kiểm tra tại lớp: Giáo viên bộ môn là người có trách nhiệm ra đề theo quy định chung thống nhất của tổ chuyên môn. Đề phải có hướng dẫn chấm và được lưu trong hồ sơ chuyên môn.

- Đối với các bài kiểm tra định kỳ: Ra đề và chọn đề theo các bước sau:

+ Giáo viên bộ môn ra đề (theo phân công ra đề của tổ chuyên môn). Gửi đề qua email của Phó Hiệu trưởng theo thời gian quy định để tổng hợp, báo cáo Sở GDĐT.

+ Sau khi tham khảo ý kiến của tổ trưởng chuyên môn, Hiệu trưởng duyệt và chọn ra 2 đề (1 đề chính thức và 1 đề dự bị) hoặc 4 mã đề đối với đề trắc nghiệm. Tổ trưởng chuyên môn hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung kiến thức của đề và những sai sót trong đề (nếu có).

+ Bảng cứng đề kiểm tra, ma trận, đặc tả, đáp án phải nộp cho Phó Hiệu trưởng trước ngày kiểm tra ít nhất 7 ngày.

Điều 10. Xử lý các sự cố bất thường

- Trường hợp đề kiểm tra tại lớp có sai sót: Giáo viên bộ môn phải điều chỉnh hướng dẫn chấm đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Trong trường hợp sai sót nhiều, giáo viên bộ môn báo cáo Hiệu trưởng để tổ chức kiểm tra lại cho học sinh.

- Trường hợp đề kiểm tra tập trung có sai sót: Nếu phát hiện sai sót của đề kiểm tra trong quá trình in sao hoặc quá trình đang kiểm tra, Hiệu trưởng chỉ đạo xử lý.

- Trường hợp đề kiểm tra bị lộ: Chỉ có Hiệu trưởng mới có thẩm quyền kết luận vê tình huống lộ đề kiểm tra. Khi đề kiểm tra bị lộ, Hiệu trưởng quyết định đình chỉ môn kiểm tra bị lộ đề. Môn bị lộ đề sẽ được kiểm tra vào thời gian thích hợp. Hiệu trưởng trực tiếp xác minh nguyên nhân của tình huống và xử lý theo quy định.

- Trường hợp bài kiểm tra có 50% học sinh dưới điểm trung bình (trừ bài kiểm tra cuối kỳ): Giáo viên bộ môn báo cáo Hiệu trưởng. Hiệu trưởng sẽ tổ chức cho kiểm tra lại. Điểm bài kiểm tra của học sinh là điểm cao nhất trong 2 lần kiểm tra để đảm bảo quyền lợi học sinh.

Chương IV

CÔNG TÁC IN SAO ĐỀ, COI KIỂM TRA

Điều 11. Tổ chức in ấn và bảo quản, bảo mật đề kiểm tra

- Hiệu trưởng phân công người in ấn và giao Phó Hiệu trưởng bảo quản đề kiểm tra.

- Đề kiểm tra và hướng dẫn chấm của mỗi môn kiểm tra thuộc danh mục tài liệu tối mật theo quy định hiện hành cho đến thời điểm hết giờ làm bài của môn đó.

- Việc in sao đề thực hiện theo quy trình:

+ Đọc, rà soát đề bản gốc, chữ ký của Phó Hiệu trưởng ở mặt sau đề.

+ Báo cáo ngay Hiệu trưởng những phát nhiện nghi vấn, sai sót so với bản gốc để có hướng xử lý.

+ In đúng số lượng đề theo quy định và số lượng đề dự bị (số lượng do Hiệu trưởng quyết định). Đề phải cho vào túi đựng đề (chính thức lẫn dự bị) và được bảo quản theo chế độ tối mật.

          - Đề chỉ được mở trước buổi kiểm tra 15 phút và có biên bản với sự chứng kiến của Hội đồng coi kiểm tra.

          - Tổ in đề bàn giao đề cho chủ tịch Hội đồng coi kiểm tra ngay sau khi in sao đề. Những đề bị lỗi phải được hủy và có sự chứng kiến của Hiệu trưởng.

          - Thực hiện các biên bản bàn giao đề theo đúng quy định.

Điều 12. Tổ chức các kỳ kiểm tra

- Tổ chức kiểm tra đủ số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ đúng tiến độ theo Điều 8 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GDĐT và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GDĐT vê Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GDĐT, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

- Kiểm tra bổ sung đối với trường hợp học sinh vắng:

+ Đối với các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (trừ bài kiểm tra cuối kỳ): Giáo viên bộ môn tổ chức cho học sinh kiểm tra bù trong tuần sau đó.

+ Đối với bài kiểm tra cuối kỳ: Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Giáo viên, nhân viên có liên quan đến việc kiểm tra bổ sung thực hiện theo sự hướng dẫn của Hiệu trưởng.

Điều 13. Trách nhiệm của giáo viên coi kiểm tra và các thành viên khác trong Ban coi kiểm tra

- Giáo viên coi kiểm tra không được sử dụng điện thoại di động trong khi làm nhiệm vụ; không được giúp đỡ học sinh làm bài kiểm tra dưới bất kỳ hình thức nào; không được làm việc riêng, không hút thuốc lá, uống bia rượu; phải có mặt đúng giờ và thực hiện nghiệp vụ coi kiểm tra theo quy định.

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có tình huống bất thường, giáo viên thông báo ngay cho lãnh đạo trực buổi kiểm tra biết để xử lý.

- Giáo viên làm công tác văn phòng: Chịu sự chỉ đạo và phân công trực tiếp của lãnh đạo Hội đồng coi kiểm tra.

- Lãnh đạo phụ trách buổi kiểm tra: Điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc của Hội đồng trong suốt buổi kiểm tra. Quy định phương án đánh số báo danh, phân công giáo viên coi kiểm tra, giao đề kiểm tra, nhận bài kiểm tra sau khi hết giờ làm bài, xử lý các vấn đề xảy ra theo đúng quy chế.

- Nhân viên y tế: Có mặt thường xuyên trong suốt buổi kiểm tra tại phòng y tế của trường để xử lý các trường hợp đau ốm đột xuất.

Chương V

CÔNG TÁC COI KIỂM TRA

Điều 14. Hội đồng coi kiểm tra tập trung

- Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng coi kiểm tra tập trung trước ngày kiểm tra 7 ngày.

- Chủ tịch Hội đồng kiểm tra điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của Hội đồng.

- Các thành viên của Hội đồng chịu trách nhiệm thực hiện theo phân công của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 15. Hội đồng giám sát kiểm tra tập trung trực tuyến (nếu có)

- Hiệu trưởng thành lập tổ kỹ thuật để tư vấn và hỗ trợ việc kiểm tra trực tuyến, xử lý những tình huống khách quan.

- Thư ký Hội đồng, Thanh tra nhân dân thực hiện việc giám sát theo yêu cầu của Hiệu trưởng và báo cáo cho Hiệu trưởng những tình huống phức tạp cần xử lý.

- Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm tiếp nhận và phản hồi những thông tin bất thường trong qúa trình kiểm tra và báo về cho Hiệu trưởng để xin ý kiến xử lý.

CHƯƠNG VI

CHẤM KIỂM TRA VÀ PHÚC KHẢO

Điều 17. Hội đồng chấm kiểm tra tập trung

          - Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng, cơ cấu Hội đồng và phân công chấm bài kiểm tra.

          - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thực hiện chức năng theo quy định.

Điều 18. Công tác làm phách, ráp phách bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ

- Công tác làm mật mã, cắt phách:

+ Đảm bảo tính bảo mật. Thực hiện ngay sau khi kết thúc giờ kiểm tra dưới sự điều hành của Phó Hiệu trưởng.

+ Phần đầu phách được Phó Hiệu trưởng bảo quản đúng quy định.

+ Phần thân các bài kiểm tra được bàn giao cho giáo viên chấm theo phân công của nhà trường (thực hiện biên bản ký nhận, trả bài kiểm tra).

- Công tác nhập điểm, ráp phách:

+ Sau khi chấm bài kiểm tra xong, giáo viên tiến hành nhập điểm theo kế hoạch.

+ Bộ phận ráp phách thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Sau khi ráp phách phải chia bài theo đơn vị lớp, kiểm đếm đủ số lượng học sinh dự kiểm tra, sau đó giao bài cho Phó Hiệu trưởng.

+ Giáo viên bộ môn nhận bài từ Phó Hiệu trưởng và phát cho học sinh xem khi sửa bài kiểm tra. Sau đó thu lại và lưu giữ cho đến khi học sinh ra trường.

Điều 19. Chấm, trả bài kiểm tra

- Bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (trừ bài kiểm tra cuối kỳ):

Giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm chấm theo Hướng dẫn chấm đã thống nhất. Bài kiểm tra phải được chấm, trả, sửa chính xác, đúng thời gian quy định (chậm nhất 5 ngày tính từ ngày kiểm tra) được thể hiện qua sổ ghi đầu bài và sổ kế hoạch giảng dạy của giáo viên. Học sinh lưu giữ bài kiểm tra của mình.

- Bài kiểm tra cuối kỳ:

+ Giáo viên chấm phải dự họp thống nhất biểu điểm ngay sau buổi kiểm tra. Biên bản họp tổ thống nhẩt hướng dẫn chấm phải thực hiện đúng theo Hướng dẫn chấm của tổ chuyên môn, có chữ ký của Phó Hiệu trưởng phụ trách.

+ Giáo viên ký tên, khóa bài.

+ Ghi điểm: Rõ ràng bằng bút đỏ. Ghi điểm bằng số và chữ số, đảm bảo nguyên tác làm tròn số theo Thông tư số 26/2020/BGDĐT. Ví dụ: 7,0 (bảy điểm), 8,5 (tám điểm rưỡi).

+ Nếu bài kiểm tra có điều chỉnh điểm: Gạch điểm sai, ghi lại điểm đúng, giáo viên sửa điểm ký tên và ghi họ tên.

+ Khi trả bài kiểm tra: Phải xếp theo đúng thứ tự để tránh xếp nhầm phách. Bài kiểm tra có điều chỉnh điểm thì xếp lên phía trên cùng của xấp bài kiểm tra.

- Bài kiểm tra lại: Phó Hiệu trưởng phân công giáo viên chấm 02 vòng độc lập.

Điều 20. Kiểm tra bổ sung, phúc khảo bài kiểm tra, kiểm tra lại.

          - Kiểm tra bổ sung đối với học sinh vắng có lý do chính đáng, GVCN phối hợp GVBM lập danh sách và đề nghị cho kiểm tra bổ sung sau khi kiểm tra. Đề kiểm tra là đề dự bị.

          - Chủ tịch Hội đồng coi kiểm tra phân công giáo viên coi và chấm bài kiểm tra bổ sung.

- Phó Hiệu trưởng phân công giáo viên chấm phúc khảo bài kiểm tra, kiểm tra lại. Mỗi bài có 2 giám khảo chấm công khai.

- Biên bản chấm lại bài kiểm tra học kỳ nộp về Hiệu trưởng trước ngày họp Hội đồng xét duyệt duyệt chỉnh sửa điểm một ngày.

- Chỉ được sửa chữa, điều chỉnh điểm số khi có sự đồng ý của Hiệu trưởng.

CHƯƠNG VII

CÔNG BỐ KẾT QUẢ, LƯU TRỮ BÀI KIỂM TRA VÀ QUẢN LÝ ĐIỂM

Điều 21. Công bố kết quả kiểm tra

          - Đối với bài kiểm tra thường xuyên thực hiện kiểm tra và báo điểm, sửa bài cho học sinh chậm nhất 1 tuần sau khi kiểm tra.

          - Đối với bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra tập trung chậm nhất 5 ngày sau khi kiểm tra phải nộp bài chấm về văn phòng. Nhà trường tổ chức ráp phách, giáo viên nhập điểm và rã bài ra lớp, tiến hành công bố điểm và sửa bài cho học sinh trong vòng 3 ngày, kể từ ngày nộp bài kiểm tra.

Điều 22. Lưu trữ bài kiểm tra

          - Đối với bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ, học sinh lưu trữ.

          - Đối với bài kiểm tra cuối kỳ, văn phòng lưu trữ 5 năm theo quy định.

          - Đối với bài kiểm tra trực tuyến, lưu trữ trên phần mềm theo quy định.

Điều 23. Quản lý điểm

          - Điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ giáo viên bộ môn nhập điểm vào sổ điểm điện tử vnEdu.vn do Hiệu trưởng quản lý.

          - Điểm số trong sổ điểm điện tử phải đầy đủ các cột điểm theo quy định hiện hành.

          - Việc điều chỉnh những sai sót phải có ý kiến của Hiệu trưởng.

CHƯƠNG VIII

KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ MÔN HỌC

Điều 24. Hình thức kiểm tra, đánh giá

- Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học như: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật,Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp.

Kết quả đánh giá: Đạt/Chưa đạt.

- Đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét đối với các môn còn lại.

Kết quả đánh giá: Bằng điểm số theo thang điểm 10 (điểm đánh giá là số nguyên hoặcsố thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số); việc nhận xét thựchiện trong quá trình giáo dục và nhận xét ở một vài trường hợp đặc biệt.

Điều 25. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên

- Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thựchành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

- Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đóchọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (vnEdu), cụ thể:

Đối với Chương trình GDPT 2006

   - Môn học có từ 35 tiết trở xuống/học kỳ/năm học:          2 ĐĐGtx;

   - Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/ học kỳ/năm học:           3 ĐĐGtx;

   - Môn học có từ trên 70 tiết/ học kỳ/năm học:                             4 ĐĐGtx;

Đối với Chương trình GDPT 2018

   - Môn học có từ 35 tiết trở xuống/ học kỳ/năm học:                   2 ĐĐGtx;

   - Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/ học kỳ/năm học:           3 ĐĐGtx;

   - Môn học có từ trên 70 tiết/ học kỳ/năm học:                            4 ĐĐGtx;

   - Môn Giáo dục thể chất, Hoạt động TN,HN/học kỳ/năm học:   2 ĐĐGtx;

        - Đối với các chuyên đề học tập, mỗi học sinh được kiểm tra đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập, giáo viên chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá làm kết quả đánh giá thường xuyên của chuyên đề học tập đó nhập vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (vnEdu) sau khi hoàn thành chuyên đề học tập (cụ thể là ở HK2).

- Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét (không bao gồm cụm chuyên đề học tập),mỗi học kì chọn 02 (hai) lần.

Điều 26. Kiểm tra, đánh giá định kỳ

- Kiểm tra, đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm kiểm tra, đánh giágiữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Trong mỗi học kì, mỗi môn học có 01 (một) lần đánh giá giữa kì (sau đây viết tắt là ĐĐGgk) và 01 (một) lần đánh giá cuối kì (sau đây viết tắt là ĐĐGck).

- Tổ chức kiểm tra chung đối với các bài kiểm tra định kỳ cho các khối lớp,tối thiểu là 09 môn học gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân/GDKT&PL; các môn còn lại kiểm tra theo lớp và theo đặc thù môn học.

- Thời gian làm bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ (trên giấy hoặc trên máy tính) nhưsau:

+ Toán, Ngữ Văn: 90 phút;

+ Tiếng Anh: 45 phút. Riêng Tiếng Anh lớp 10: 60 phút

+ Lịch sử, Địa lý, GDCD/GDKT&PL, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, GDQPAN: 45 phút.

+ Thể dục/GDTC, Nội dung giáo dục địa phương: 45 phút

+ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: 60 phút.

- Đề kiểm tra phải được xây dựng theo ma trận, đặc tả câu hỏi tự luận, trắcnghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận cần biên soạn theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Lưu ý:

+ Đối vớimônTiếng Anh, không tổ chức kiểm tra kỹ năng nói bài kiểm tra, đánh giá giữa kỳ.

+ Đối với môn học Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp (GVCN 2 tiết, GV dạy trảinghiệm hướng nghiệp 1 tiết) giao cho giáo viên dạy trải nghiệm hướng nghiệp chịu tráchnhiệm về việc tổ chức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và nhập điểm vào Sổ theodõi và đánh giá học sinh (vnEdu).

- Căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nộidung dạy học cấp THPT (CT GDPT 2006); yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục (CT GDPT 2018); mức độ phát triển năng lực của học sinh, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục, nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra, đánh giá đảm bảo sự phù hợp với đối
tượng học sinh.

- Việc biên soạn đề kiểm tra phải theo quy trình biên soạn đề, mỗi môn họcphải có tối thiểu 02 bộ đề kiểm tra, có hướng dẫn chấm chi tiết và biểu điểm; Thủ trưởng đơn vị tổ chức bốc thăm chọn đề chính thức và đề dự bị; việc in sao đề kiểm tra phải đảm bảo tính bảo mật.

Điều 27. Đánh giá học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáodục quốc phòng và an ninh

- Học sinh gặp khó khăn trong học tập do mắc bệnh mãn tính, bị khuyết tật, bị tainạn hoặc bị bệnh phải điều trị được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáodục quốc phòng và an ninh.

- Hồ sơ xin miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòngvà an ninh gồm có: Đơn xin miễn học của học sinh và bệnh án hoặc giấy chứng nhận thương tật do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp.

- Việc cho phép miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốcphòng và an ninh đối với các trường hợp do bị ốm đau hoặc tai nạn chỉ áp dụng trong năm học; các trường hợp bị bệnh mãn tính, khuyết tật hoặc thương tật lâu dài được áp dụng cho cả năm học hoặc cả cấp học. Hiệu trưởng nhà trường cho phép học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh theo từng học kì hoặc từng năm học.

- Đối với học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dụcquốc phòng và an ninh theo quy định được kiểm tra, đánh giá thay thế bằng nội dung lý thuyết để có đủ số lần kiểm tra, đánh giá theo quy định.

CHƯƠNG IX

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ RÈN LUYỆN VÀ HỌC TẬP

Điều 28. Đánh giá học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáodục quốc phòng và an ninh

1. Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh

1.1. Căn cứ và tổ chức đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh

- Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủyếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trongChương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trìnhmôn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Giáo viên môn học nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật,hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập môn học.

- Giáo viên chủ nhiệm theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của học sinh; tham khảonhận xét, đánh giá của giáo viên môn học, thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh, các cơquan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giáo dục học sinh; hướng dẫn học sinh tựnhận xét; trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh.

1.2. Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học

Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Cụ thể:

Kết quả
rèn luyện
của
học sinh
trong
từng
học kì

Mức Tốt

Đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trongChương trình giáo dục phổ thông và có nhiều biểu hiện nổi bật.

Mức Khá

Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông và có biểu hiện nổi bật nhưng chưa đạt được mức Tốt.

Mức Đạt

Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Mức
Chưa đạt

Chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy địnhtrong Chương trình giáo dục phổ thông.

Kết quả
rèn luyện
của
học sinh
cả
năm học

Mức Tốt

Học kì II mức Tốt, học kì I từ mức Khá trở lên.

Mức Khá

Một trong các trường hợp sau đây:

- Học kì II mức Khá, học kì I từ mức Đạt trở lên;

- Học kì II mức Đạt, học kì I mức Tốt;

- Học kì II mức Tốt, học kì I mức Đạt hoặc Chưa đạt.

Mức Đạt

Một trong các trường hợp sau đây:

- Học kì II mức Đạt, học kì I mức Khá, Đạt hoặc Chưa đạt;

- Học kì II mức Khá, học kì I mức Chưa đạt.

Mức
Chưa đạt

Các trường hợp còn lại.

2. Đánh giá kết quả học tập của học sinh

2.1. Kết quả học tập của học sinh theo môn học

a) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét

- Trong một học kì, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01(một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.

+ Mức Đạt: Có đủ số lần kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Thông tư này và tất cả cáclần được đánh giá mức Đạt.

+ Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

- Cả năm học, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một)trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.

+ Mức Đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Đạt.

+ Mức Chưa đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Chưa đạt.

b) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số

- Điểm trung bình môn học kì (sau đây viết tắt là ĐTBmhk) đối với mỗi môn học đượctính như sau:

2.2. Kết quả học tập trong từng học kì, cả năm học:

Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, ĐTBmhk đượcsử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong từng học kì, ĐTBmcn được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong cả năm học. Kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Mức Tốt

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt.

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm sốcó ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 8,0 điểm trở lên.

Mức Khá

- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt.
- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có, ĐTBmcn đạt từ 6,5 điểm trở lên.

Mức Đạt

- Có nhiều nhất 01 (một) môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mứcChưa đạt.

- Có ít nhất 06 (sáu) môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằngđiểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTBmhk, ĐTBmcn dưới 3,5 điểm.

Mức
Chưa đạt

Các trường hợp còn lại.

2.3. Điều chỉnh mức đánh giá kết quả học tập

Nếu mức đánh giá kết quả học tập của học kì, cả năm học bị thấp xuống từ 02 (hai) mứctrở lên so với mức đánh giá quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này chỉ do kết quả đánh giá của duy nhất 01 (một) môn học thì mức đánh giá kết quả học tập của học kì đó, cả năm học đó được điều chỉnh lên mức liền kề.

CHƯƠNG X

SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ

Điều 29. Được lên lớp, đánh giá lại trong kì nghỉ hè, không được lên lớp

1.1. Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoànthành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông:

a) Kết quả rèn luyện cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại sau khi rèn luyện trongkì nghỉ hè) được đánh giá mức Đạt trở lên.

b) Kết quả học tập cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại các môn học) được đánhgiá mức Đạt trở lên.

c) Nghỉ học không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ học có phépvà không phép, nghỉ học liên tục hoặc không liên tục).

1.2. Trường hợp học sinh phải rèn luyện trong kì nghỉ hè:

- Học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt.

- Hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè do Hiệu trưởng quy định.

- Căn cứ vào hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụrèn luyện trong kì nghỉ hè cho học sinh và thông báo đến cha mẹ học sinh.

- Cuối kì nghỉ hè, học sinh có báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rènluyện có chữ kí xác nhận của cha mẹ học sinh. Nếu học sinh hoàn thành thì giáo viên chủ nhiệm xác nhận đã hoàn thành và đề nghị Hiệu trưởng cho đánh giá lại kết quả rèn luyện cả năm học của học sinh.

- Kết quả đánh giá lại được sử dụng thay thế cho kết quả rèn luyện cả năm học để xétlên lớp.

1.3. Trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại trong kỳ nghỉ hè

- Học sinh chưa đủ điều kiện được lên lớp nhưng có kết quả rèn luyện cả năm học đượcđánh giá từ mức Đạt trở lên, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì được đánh giá lại kết quả học tập các môn học được đánh giá mức Chưa đạt (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét) và các môn học có ĐTBmcn dưới 5,0 điểm (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số).

- Kết quả đánh giá lại của môn học nào được sử dụng thay thế cho kết quả học tập cảnăm học của môn học đó để xét lên lớp.

1.4. Học sinh không đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì không được lênlớp hoặc không được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông.

CHƯƠNG XI

TÔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Trách nhiệm của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng

- Triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên quy chế này.

- Tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chế của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Điều chỉnh kịp thời để quy chế phù hợp với quy định của cấp trên và thực tiễn tại nhà trường.

Điều 31. Trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn

Hướng dẫn giáo viên trong tổ nghiêm túc thực hiện nội dung đã được quy định trong quy chế này. Trong quá trình thực hiện, kịp thời góp ý các nội dung chưa phù hợp để Hiệu trưởng xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung.

Điều 32. Trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh

Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh căn cứ nhiệm vụ được phân công nghiêm túc thực hiện nội dung quy định trong quy chế này.

Điều 33. Khen thưởng và kỷ luật

- Khen thưởng:

+ Đối với Lãnh đạo trường, giáo viên, nhân viên thực hiện tốt quy chế sẽ được đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng khen thưởng.

+ Đối với học sinh, thực hiện tốt quy chế, kết quả đánh giá học tập và rèn luyện tốt sẽ được Hiệu trưởng khen thưởng giấy khen, hiện vật theo học kỳ, năm học.

* Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có đủ các điềukiện sau đây:

+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt,

+ Kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn họcđược đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.

- Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyệncả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.

Ngoài ra Hiệu trưởng khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyệnvà học tập trong năm học.

- Xử lý vi phạm

          + Đối với Lãnh đạo trường, giáo viên, nhân viên tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phê bình, nhắc nhở hoặc kỷ luật.

+ Đối với học sinh nếu vi phạm quy chế sẽ bị lập biên bản xử lý kỷ luật, thông báo cho cha mẹ học sinh, trừ điểm bài kiểm tra vi phạm hoặc cho điểm không (0) đối với môn vi phạm, hạ bậc hạnh kiểm.

CHƯƠNG IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Điều khoản thi hành

- Quy chế này được phổ biến đến toàn thể đội ngũ Lãnh đạo trường, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT Võ Giữ.

- Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế Hội đồng sư phạm nhà trường báo cáo Hiệu trưởng xem xét bổ sung.

- Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành Quyết định./.

--------------------------

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nbsp nbsp, thực hiện, nbsp

Những tin mới hơn

 

Giới thiệu

TRƯỜNG THPT VÕ GIỮ

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN           Hoài Ân, là một huyện trung du miền núi phía Bắc tỉnh Bình Định. Dân số trên dưới 100.000 người, nông nghiệp là điều kiện duy nhất để con người Hoài Ân cùng nhịp bước đi lên. Hoài Ân là mảnh đất giàu truyền thống...

Hình CB-GV Nhà trường



Ảnh Tập thể sư phạm nhà trường năm 2017

Đăng nhập thành viên

nong ngu co
du lich thai lan
tour di thai