20:50 ICT Thứ tư, 11/12/2024

Trang nhất » TIN TỨC » HỌC TẬP HCM

Trang Web sẽ hiển thị tốt trên các trình duyệt:  FIREFOX, GOOGLE CHROME, IE 7.0 trở lên.

Chuyên đề học tập và làm theo năm 2023

Thứ hai - 21/08/2023 08:16
Chuyên đề học tập và làm theo năm 2023

Chuyên đề học tập và làm theo năm 2023

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề năm 2023

 

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH

HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY TÍNH TIỀN PHONG, GƯƠNG MẪU,

TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁC CẤP ỦY, TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ

ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, NỖ LỰC PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH TỐT CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

 

I- TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY TÍNH TIỀN PHONG, GƯƠNG MẪU, TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁC CẤP ỦY, TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiền phong, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn quan tâm đến tính tiền phong, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Người, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy tính tiền phong, gương mẫu bởi họ là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên là người dẫn dắt quần chúng, muốn quần chúng làm theo thì phải “làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên không những có trách nhiệm tự tu dưỡng để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn là tấm gương để quần chúng noi theo làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu và Người chính là tấm gương sáng về sự tiền phong, gương mẫu, cả trong mọi suy nghĩ, hành động, lời nói và việc làm, qua đó kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên như một giải pháp quan trọng để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân với luận điểm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.Đây chính là sự khẳng định tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên mà cán bộ, đảng viên là những hạt nhân lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tiền phong, gương mẫu đi trước, làm trước, quần chúng Nhân dân sẽ đi theo và làm theo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tiền phong, gương mẫu trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn và được thể hiện thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở: Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.

Tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được thể hiện ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, điều đó không thể tự nhiên mà có, mà phải do chính cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có được. Người dạy: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu đi đầu. Muốn dân tin, dân yêu, dân làm theo, thì mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tiền phong, gương mẫu trước; cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong mọi công việc, không màng danh lợi, quyền chức; được giao công việc gì cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất. Đó là tính tiền phong, gương mẫu chân thành và tự giác. “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Người yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng phải lãnh đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên “phải làm gương mẫu trong lao động sản xuất và trong học tập”; “phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân”; “phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho Nhân dân”.

2. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đề cập đến trách nhiệm nêu gương trước quần chúng của người cán bộ, đảng viên, trước hết là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong các bài nói, bài viết của mình, HồChí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương” với tần suất lớn. Chỉ riêng trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Người nhắc đến từ “nêu gương”, “làm gương” tới 241 lần. Theo Người:Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao cần nêu gương trên ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với việc; phải nêu gương, làm mực thước cho quần chúng noi theo; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người dạy: “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, làm gương trong anh em, và khi đi công tác, làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được ta phải: quyết tâm, tín tâm, đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí thành công”, “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì, khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.

Theo Người, người đứng đầu nói nhiều làm ít, hoặc nói một đằng làm một nẻo, hay nói mà không làm thì không ai tin, sẽ mất uy tín và vai trò với cấp dưới. Người chỉ ra “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Người lưu ý “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”. Do đó, chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người đứng đầu mới có được sự tin yêu của tập thể, của cấp dưới.

Người khẳng định trách nhiệm nêu gương có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với trách nhiệm, bổn phận của cán bộ, đảng viên. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, mọi người phải nỗ lực hết mình, nhất là cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm “đầu tàu gương mẫu” trong mọi việc. Người đứng đầu thật sự có trách nhiệm nêu gương tốt sẽ có ảnh hưởng tích cực rất lớn đối với cấp dưới và quần chúng Nhân dân, Là người đứng đầu mà không nêu gương là không có trách nhiệm với cấp dưới, với nhân viên của mình và với Nhân dânvới Tổ quốc, với chính bản thân mình và không xứng đáng với vị trí lãnh đạo, đứng đầu”.

Người yêu cầu: Trong gia đình, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương các em; thầy, cô giáo nêu gương cho học sinh; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo nêu gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác… Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đạo đức trong sáng mà còn phải nêu gương giúp Nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Năm 1945, ngay sau khi Chính phủ mới ra đời, thì cũng là lúc nạn đói lan rộng tại miền Bắc. Một trong những việc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, Bác kêu gọi toàn dân tổ chức cứu đói đồng bào và đã nghiêm túc thực hiện trước để làm gương cho mọi người làm theo. Người nói: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

Người đã thực hành trách nhiệm nêu gương bằng hành động cụ thể: Khuyên Nhân dân rèn luyện thân thể để có sức khỏe kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì bản thân Hồ Chí Minh ngày nào cũng tập thể dục. Khuyên thanh niên tự học, Người đã là một tấm gương tự học suốt đời. Khuyên người khác biết trọng chữ tín, Bác rời Pác Bó hai năm, khi quay trở lại vẫn nhớ mang về cho cháu gái nhỏ ở đó chiếc vòng bạc theo lời hứa. Khuyên mọi người giản dị, tiết kiệm vì đất nước còn nghèo, Nhân dân còn đói khổ thì suốt cả cuộc đời Người luôn giản dị và tiết kiệm. Ở địa vị càng cao Người càng giản dị, trong sạch, cả một đời không xa xỉ, hoang phí.

Người thường xuyên thực hành trách nhiệm nêu gương về tiết kiệm thời gian. Khi đã hẹn, dù đường có xa, trời có đổ mưa giông, Người vẫn có mặt đúng giờ. Người dạy: “Người chủ trì mà đi muộn họp 10 phút thì thời gian lãng phí phải nhân 10 phút ấy với số người đã có mặt phải chờ đợi”. Người chấp nhận bản thân vất vả chứ không lùi, không dời cuộc hẹn bởi không muốn người khác phải chờ đợi uổng công. Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm thông minh và văn minh nhất. Trong Di chúc, Người vẫn không quên dặn lại: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của Nhân dân”.

Không những thế, Người còn là tấm gương trách nhiệm nêu gương về thực hành sự công bằng, yêu thương san sẻ những lúc khó khăn, hoạn nạn, không dựa vào quyền cao chức trọng. Khi đi công tác, kể cả những chuyến đường rừng xa vất vả, Người tự mình mang ba-lô cá nhân, không để người khác phải gánh vác thay. Cho dù vừa trải qua trận ốm dài ngày “thập tử nhất sinh” ở Chiến khu Việt Bắc nhưng Người vẫn có trách nhiệm nêu gương về thực hành góp phần lấy gạo cứu dân nghèo. Những câu chuyện, sự việc dù nhỏ, nhưng cho thấy Người đã tiếp thu sâu sắc đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam “thương người như thể thương thân” để nâng lên thành triết lý hành động cách mạng vì dân, vì nước.

Để giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương cao, Người yêu cầu coi trọng hai phương pháp: (1) Phương pháp nói đi đôi với làm: Đây vừa là phương pháp, vừa là nguyên tắc và phương châm trong trách nhiệm nêu gương đạo đức; là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng, đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Trong đó, phải chú ý cả hai mặt trách nhiệm nêu gương nói và trách nhiệm nêu gương làm. Trách nhiệm nêu gương nói: Là nói ít, nói trúng, nói những vấn đề thiết thực, nói đúng lòng mình, thật tâm, không dối trá, không nói một đàng làm một nẻo, không được hứa mà không làm. Đội ngũ cán bộ, đảng viên không phải ai cũng có khả năng hùng biện, nói hay như báo cáo viên, nhưng nói thật, nói phải, nói trúng thì ai cũng nhận ra cả; do vậy, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, thấu đáo, nắm vững tình hình; nếu không sát cơ sở, chỉ đạo theo kiểu ngồi bàn giấy thì chẳng bao giờ nói trúng. Trách nhiệm nêu gương làm: Đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Người cho rằng, trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ, đảng viên nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ, đảng viên làm. Đội ngũ cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”. (2) Phương pháp “lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, tổ chức mới”. Theo Người, nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ ra cách thức nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế”. Vì lẽ đó, Người kiên quyết phê phán những cán bộ không tốt, làm gương xấu cho Nhân dân, bôi nhọ danh dự của Đảng. Người yêu cầu: “Đảng viên và đoàn viên nào còn lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, thiếu đạo đức cách mạng, nêu gương xấu trong Nhân dân, thì phải quyết tâm sửa đổi để trở thành đảng viên và đoàn viên tốt. Nếu không thì sẽ bị loại ra ngoài phong trào cách mạng”.

II- ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY TÍNH TIỀN PHONG, GƯƠNG MẪU, TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁC CẤP ỦY, TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, NỖ LỰC PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH TỐT CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

1. Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiền phong, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên

1.1. Tiền phong, gương mẫu, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với Đảng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị. Đồng thời, luôn cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

1.2. Tiền phong, gương mẫu trong việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc học tập vàtổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng theo quy định. Nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là bí thư cấp ủy; đổi mới phương thức tổ chức, quản lý việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; chỉ đạo xây dựng chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức đảngthực hiện nghị quyết của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng.

1.3. Tiền phong, gương mẫu trong việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao ý thức tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không bao che, che giấu khuyết điểm. Từng cán bộ, đảng viên phải luôn tự soi, tự sửa chính mình. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích. Khi có khuyết điểm phải thẳng thắn nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa khuyết điểm. Trong tự phê bình và phê bình phải thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

1.4. Tiền phong, gương mẫu trong thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ                được giao.

Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; tích cực, chủ động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu và làm chủ tri thức khoa học - công nghệ hiện đại, tiên tiến, vận dụng có hiệu quả vào sản xuất, đời sống và công tác; tiền phong, gương mẫu trong học tập, nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, tự đề ra kế hoạch phấn đấu cho bản thân, tự điều chỉnh hành vi của mình, phải tự giác nhận khuyết điểm và tự sửa chữa, không dựa vào tập thể, tranh công, đổ lỗi cho người khác. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiền phong, gương mẫu tôn trọng trí tuệ tập thể, phát huy tối đa khả năng, năng lực của cán bộ cấp dưới, có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ra các quyết định chính xác, kịp thời.

1.5. Tiền phong, gương mẫu trong việc rèn luyện, gìn giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, tác phong công tác gần dân.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viênphải tiền phong, gương mẫu trong thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh, không tham nhũng; đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có tác phong công tác gần dân, học dân, phục vụ Nhân dân. Sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi để tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục; kiên quyết không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi dưới mọi hình thức; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi. Mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đức tính khiêm tốn, giản dị; tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.

1.6. Tiền phong, gương mẫu chấp hành sự phân công của tổ chức đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương luôn gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành nghị quyết của đảng bộ, chi bộ, các quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương; chấp hành nghiêm sự phân công, điều động của tổ chức đảng; đồng thời, phải sâu sát, gần gũi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng và tập trung giải quyết những lợi ích chính đáng của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh với biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà Nhân dân. Cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu trong xây dựng đoàn kết nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

1.7. Tiền phong, gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, quy định, kết luận, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đến từng cán bộ, đảng viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo kế hoạch đã đề ra, coi trọng kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, dư luận quan tâm. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.

2. Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ,                 đảng viên

2.1. Người đứng đầu, người có chức vụ càng cao thì phải có trách nhiệm nêu gương.

Người đứng đầu của cấp ủy, tổ chức đảng,cơ quan, đơn vị, địa phương luôn thể hiện rõ trách nhiệm nêu gương đi đầu, không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; rèn luyện lối sống giản dị, tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, là tấm gương mẫu mực trong học tập, sinh hoạt trước cán bộ, đảng viên và Nhân dân; thực hành lãnh đạo, chỉ đạo làm gương và nêu gương “nói đi đôi với làm. Thực hành phong cách nêu gương lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất bất ngờ tại địa phương, lĩnh vực phụ trách. Thực hành nêu gương tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công, đổ lỗi; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ kiều kiện, đủ năng lực, uy tín.

2.2. Thực hiện trách nhiệm nêu gương thông qua hoạt động thực tiễn, bằng những việc làm cụ thể.

 Trọng tâm là nêu gương trong đổi mới tư duy; trong hành động triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức, cá nhân; trong cải cách hành chính, tác phong, lề lối làm việc. Thông qua hoạt động thực tiễn, bằng những việc làm cụ thể về làm gương và nêu gương của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh để lan tỏa, thẩm thấu trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và trở thành hình mẫu để mọi người học, làm theo và nêu gương.

2.3. Đưa nội dung trách nhiệm nêu gương vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp gắn với vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Coi trọng việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Xây dựng quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng về trách nhiệm nêu gương.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT HUY TÍNH TIỀN PHONG, GƯƠNG MẪU, TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁC CẤP ỦY, TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG TỈNH, NỖ LỰC PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH TỐT CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

1. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh về phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh về những nội dung cơ bản, có giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương, nhất là Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… Trên cơ sở các quy định này, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cần quán triệt, cụ thể hóa, xây dựng thành các quy định cụ thể về tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sao cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… để cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ giám sát. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tiền phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương, xây dựng kế hoạch tự phấn đấu vươn lên, tích cực lao động sáng tạo, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh, gắn với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; kết hợp thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảngvề việcđẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025”; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở.

Gắn việc học tập,làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; chú trọng gắn thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả và có chiều sâu của các phong trào, nhất là các phong trào thi đua nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Trong tổ chức thực hiện cần lồng ghép, gắn các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực; chống chủ nghĩa hình thức, chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả mọi hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.

3. Tăng cường giáo dục, rèn luyện, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh, nhất là người đứng đầu

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường giáo dục, rèn luyện và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện; khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải không ngừng phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương, nhất là trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Phải thực sự cầu thị, trung thực, công tâm, khách quan; kiên quyết đấu tranh bảo vệ lẽ phải; đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu. Khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, có dư luận không tốt, làm việc kém hiệu quả.

Cấp ủy, tổ chức đảngcác cấp tiếp tục quán triệt đội ngũcán bộ, đảng viên trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc; sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công; tránh tư tưởng thấy dễ thì xung phong, thấy khó thì né tránh, đùn đẩy; gương mẫu chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức.

Nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân, giữ mối quan hệ và gắn bó với Nhân dân với phương châm trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân; làm việc với thái độ công tâm, khách quan; tập trung giải quyết những lợi ích chính đáng của Nhân dân; chủ động tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân.

4. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc thực hiện tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò giám sát tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; việc gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua giám sát kịp thời nhân rộng điển hình tiên tiến, phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên về gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú, nhất là giám sát, theo dõi về ý thức tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, xây dựng mối quan hệ gắn bó đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

5. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời biểu dương,khen thưởng và xử lý cán bộ, đảng viên vi phạmtrong thực hiện trách nhiệm nêu gương

Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, kiên quyết sàng lọc, loại bỏ những người thoái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, thực hiện dân chủ trong Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, người đứng đầu ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm.

Xây dựng quy chế, quy định cụ thể để đảng viên tự giác chịu sự kiểm tra, giám sát của chi bộ, của cấp ủy nơi công tác, nơi cư trú; ngăn chặn việc tự đặt bản thân lên trên tổ chức, lên trên tập thể, đồng thời khắc phục tình trạng e dè, nể nang, bao che, lảng tránh trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Cần dựa vào Nhân dân và đề cao trách nhiệm của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát, đánh giá, nhận xét năng lực, phẩm chất đạo đức, các mối quan hệ với quần chúng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Chú trọng phát hiện, biểu dương, lan tỏa rộng rãi những “tấm gương sáng”, hình ảnh đẹp, những “mẫu mực” trong thực hiện tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệmcủa các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Kịp thời biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy tinh thần tự giác, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, đây là một trong những yếu tố quan trọng, có tác dụng nêu gương, khơi dậy tinh thần thi đua sôi nổi, rộng khắp, để thi đua trở thành động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương là cơ sở để Đảng ta nói chung, Đảng bộ tỉnh Bình Định nói riêng tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa thành các quy định, tiêu chuẩn cụ thể để các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ, cán bộ tiếp tục phát huy tính tiền phong, gương mẫu, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao;góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và đại hội đảng bộ các cấp; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Việt

Nguồn tin: BTGTU Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

TRƯỜNG THPT VÕ GIỮ

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN           Hoài Ân, là một huyện trung du miền núi phía Bắc tỉnh Bình Định. Dân số trên dưới 100.000 người, nông nghiệp là điều kiện duy nhất để con người Hoài Ân cùng nhịp bước đi lên. Hoài Ân là mảnh đất giàu truyền thống...

Hình CB-GV Nhà trường



Ảnh Tập thể sư phạm nhà trường năm 2024

Đăng nhập thành viên

nong ngu co
du lich thai lan
tour di thai